Thật tự hào khi ta là nghề giáo. Đặc biệt, tự hào hơn ta chính là những cô giáo Mầm non, trong cái nghề Mầm non ấy nó ẩn chứa bao nhiêu nghề cao quý khác. Đó chính là mẹ, là cô giáo, là bác sỹ, là người bạn chơi của trẻ…
Trải qua những tháng năm làm giáo viên trực tiếp chăm sóc giáo dục trẻ tại trường Mầm non Hoa Mai, tôi được chứng kiến và cảm phục nhiều tấm gương vượt khó để đi đến thành công. Nhưng sau này đến đơn vị mới với vai trò là một cán bộ quản lý tôi thực sự khâm phục tấm gương đầy nghị lực, ý chí vươn lên hoàn cảnh và số phận của cô giáo: Lê Thị Tâm hiện đang công tác tại đơn vị trường Mầm non Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh. Cô giáo Lê Thị Tâm vào nghề tháng 09/2003, thời điểm đó đang là giáo viên hợp đồng, với sự chia sẻ của cô thì mỗi tháng được 200.000 đ, thậm chí cả năm đi dạy không có đồng lương nào nhưng cũng không cảm thấy khó khăn bằng việc dăm bữa, nửa tháng lại phải đến từng người dân để mượn nhà làm lớp học. Tuy bước đầu có khó khăn với một cô giáo mới bước vào nghề, nhưng cô không hề chùn bước trước thử thách, chỉ thầm nghĩ có như vậy mới giúp mình trưởng thành hơn. Mặc dầu, thời điểm đó đối với giáo viên Mầm non chưa được ai coi trọng, nhưng cô không bao giờ thấy xấu hổ và buồn phiền vì điều đó, cô luôn trân trọng cái nghề mình đã chọn và cố gắng phát huy hết tiềm năng của bản thân. Với cô lúc ấy được đến trường, được yêu thương chăm sóc trẻ là một niềm vui và hạnh phúc lớn.
Đến năm 2006 cô xây dựng gia đình, quê hương thứ hai của cô chính là Kỳ Trinh mà hiện giờ cô đang sinh sống. Sau khi xây dựng gia đình được vài năm cô lại sinh con, chồng đi làm ăn xa một mình nuôi hai đứa con còn nhỏ, không người thân bên cạnh, bản thân cô với đồng lương ít ỏi nên cuộc sống của gia đình không thiếu phần chật vật. Có những cái thiếu, cái khó mà đã trở thành kỷ niệm đi vào tiềm thức của đời cô để sau này khi có miếng cơm để ăn, chiếc áo để mặc thì cô lại không khỏi chạnh lòng về nó.
Năm 2010 cô đã được biên chế và trở thành một giáo viên chính thức. Từ đó, cô thấy trọng trách trên đôi vai mình ngày càng một lớn lao, cô đã ra sức phấn đấu trong mọi lĩnh vực của cuộc sống: “
Gia đình, sự nghiệp và xã hội” đồng thời luôn đặt ra mục tiêu cho mình để phấn đấu, sáng tạo trong công tác làm đồ dùng đồ chơi và trang trí môi trường, linh hoạt và không ngừng đổi mới trong công tác giảng dạy, tham gia các kỳ thi giáo viên giỏi cấp huyện, các cuộc thi “An toàn giao thông, giao lưu gia đình dinh dưỡng trẻ thơ”…
Ảnh trẻ hoạt động cùng cô
Nhưng có ai biết rằng, hạnh phúc cô đón nhận chưa được bao lâu thì cuộc sống trớ trêu lại ập đến với cô. Đó là tháng 9 năm 2014 không may chồng cô bị tai nạn qua đời, để lại cô và hai đứa con thơ côi cút. Đối với cô lúc ấy là một bóng đêm đen tối không có lối thoát, hụt hẫng, thiếu thốn và mất mát vô cùng, mỗi ngày trôi qua là một nổi đau vô tận không thể tả bằng lời. Thế rồi ngày tháng qua đi cô đã
“Biến đau thương thành hành động” cố gạt đi những giọt nước mắt đau thương để sống: Vì con, vì người thân, vì những điều mình chưa làm được.
Năm học 2015- 2016 dù chồng mới mất được một năm đang trong lúc buồn phiền nhưng cô đã vượt lên chính mình để tham gia kỳ thi giáo viên giỏi cấp tỉnh và đạt được kết quả tốt. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những rào cản của cuộc sống nên cô chưa thực hiện được mục tiêu của mình và nguyện vọng của người chồng đã khuất. Mặc dù như vậy nhưng không vì thất bại một lần mà cô từ bỏ ước mơ, cô nghĩ cuộc sống luôn có cái thế này, cái thế kia nên cứ coi đó là thử thách trong nghề mà cô cần phải vượt qua. Điều cô luôn nghĩ và làm không phải vì để đạt được thành tích mà quyên đi những thứ đáng trân trọng, cái mà cao quý hơn, cao thượng hơn là một năm học qua đi mình đã làm được gì đối với những đứa trẻ, với nhà trường và với ngành giáo dục chứ không chỉ với bản thân mình. Ngược lại mình phải có ước mơ, có hoài bảo và có chí hướng phấn đấu, biết hy sinh cho sự nghiệp giáo dục đó mới chính là người giáo viên tâm huyết thực sự, tận tụy hy sinh hết mình vì sự nghiệp trồng người.
Vốn tính chịu khó, cần mẫn cùng với sự quyết tâm và nghị lực vượt lên trên mọi hoàn cảnh, cô Lê Thị Tâm người vừa làm cha vừa làm mẹ phải chịu biết bao nổi cơ cực nhưng cô luôn sắp xếp chu toàn việc gia đình, con cái để nghiên cứu tài liệu, tham gia tích cực các hoạt động của nhà trường, địa phương và luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Sau ngày làm việc ở trường, buổi tối cô tranh thủ thời gian tìm tòi, nghiên cứu tài liệu và ghi chép lại những kiến thức quan trọng nhằm phục vụ cho công tác chăm sóc giáo dục trẻ.
Tham gia nấu cơm tặng công dân cách ly
Năm học 2020 - 2021, một lần nữa cô lại khẳng định năng lực của mình bằng việc tham gia các kỳ thi giáo viên giỏi các cấp và đạt được thành tích đáng trân quý: Giải nhất giáo viên giỏi cấp thị, giải kk giáo viên giỏi cấp tỉnh và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen năm học 2020 - 2021.
Nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh
Tính đến thời điểm này cô giáo Lê Thị Tâm có 18 năm tuổi nghề, 14 năm tuổi Đảng, 13 năm đạt giáo viên giỏi cấp huyện, thị và 13 năm đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2024.
Cô giáo Lê Thị Tâm đã trở thành tấm gương vượt khó và là một bông hoa đẹp nhất, tiêu biểu nhất trong rừng hoa để đồng nghiệp học tập và noi theo. Đồng thời để xứng đáng với những thành tích bản thân đạt được cô luôn phát huy hết vai trò của mình, sống có trách nhiệm, luôn sáng tạo và đổi mới trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ, tạo được niềm tin với phụ huynh, tận tình chia sẻ và không ngừng lan toả sự đam mê học hỏi tới đồng nghiệp.
Qua đây tôi cũng muốn lan toả câu chuyện về cô giáo Lê Thị Tâm người đã trải qua nhiều mất mát, chịu đựng nổi đau tận cùng của cuộc sống, nhưng với ý chí, nghị lực và quyết tâm cao cô đã vượt qua số phận và làm được những điều mà tưởng chừng ta không thể. Cuộc sống đối với cô còn rất nhiều khó khăn và thử thách, mong cô có nhiều sức khỏe và thành công hơn trong sự nghiệp trồng người.
Chúc cho bậc học Mầm non của chúng ta ngày càng có nhiều bông hoa tiêu biểu để góp phần vào sự phát triển của ngành giáo dục.
Đăng ký thành viên